''

Đăng nhập Đăng ký

Tin tức giáo dục

Cập nhật lúc : 07:37 15/10/2015  

Công tác giáo viên chủ nhiệm lớp



                                                 CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM

   Phần 1: Nhận thức việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng.

A. Chức năng, nhiệm vụ và quan hệ của người giáo viên chủ nhiệm:

     I. GVCN trước hết là người đại diện cho Hiệu trưởng quản lý toàn diện học sinh một lớp học:

            Hiệu trưởng không thể quản lý trong lớp học, nắm vững từng học sinh (trừ trường hợp đặc biệt), Hiệu trưởng  giao trách nhiệm cho GVCN quản lý toàn diện một lớp học không chỉ là quản lý học sinh như: Số lượng, tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh gia đình, trình độ học sinh về học lực và đạo đức,... mà điều quan trọng là phải đưa ra dự báo, vạch được một kế hoạch giáo dục phù hợp với thực trạng để dẫn dắt  học sinh thực hiện kế hoạch đó, khai thác hết những điều kiện khách quan, chủ quan trong và ngoài nhà trường để đạt mục tiêu giáo dục.

      1. Quản lý toàn diện hoạt động giáo dục:

            - Tiếp thu, nắm vững những đặc điểm của từng học sinh của lớp với tất cả các tiêu chí về nhân thân (họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, cha mẹ, nghề nghiệp), đặc điểm của gia cảnh (về văn hóa, kinh tế, về tâm lý...). Cần đặc biệt quan tâm tới những đặc điểm của học sinh (về sức khoẻ, sở thích, học lực, đạo đức, quan hệ xã hội, bạn bè, tính tình...).

            - Đánh giá phân loại, xác định những mặt mạnh, mặt yếu của tập thể học sinh. GVCN phải xác định được và phân loại học sinh lớp học theo mục tiêu giáo dục toàn diện như: Năng lực học tập, sự phát triển trí tuệ, khả năng học tập các môn để xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng học sinh theo môn học. Phân loại được đặc điểm nhân cách, thái độ, đạo đức học sinh, để có kế hoạch tác động cá thể hoá và phối hợp trong giáo dục. Phải phát hiện, nắm vững và phân loại được những học sinh có năng khiếu về các mặt hoạt động như thể dục thể thao (TDTT), văn nghệ, hoạt động xã hội để sử dụng cho các hoạt động của lớp. Đặc biệt phải quan tâm tới những học sinh yếu về mọi mặt học tập, kỹ năng để có kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng.

            - Nắm vững hoàn cảnh, đặc điểm của các gia đình học sinh. Nắm vững đặc điểm gia đình học sinh bao gồm: đời sống kinh tế, nghề nghiệp, trình độ văn hoá của bố mẹ học sinh, sự quan tâm của các thành viên, truyền thống, cách sinh hoạt, lối sống của các gia đình... khả năng và thái độ của các bậc cha mẹ đối với các hoạt động giáo dục của nhà trường...

      a. GVCN lớp là người đại diện quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của tập thể học sinh, là “cầu nối” giữa lớp với Hiệu trưởng và các thầy cô giáo:

Đối với tập thể học sinh một lớp học, không có một giáo viên nào (kể cả Hiệu trưởng) lại có cơ hội, có điều kiện thiết lập quan hệ thân thiện, tự nhiên như GVCN lớp. Với ưu thế của GVCN, nhiều người đã xây dựng được mối quan hệ vừa là thầy trò, vừa là anh em, bạn bè... là chỗ dựa tinh thần, luôn được học sinh tin yêu, chia xẻ những băn khoăn thắc mắc, bộc lộ những nguyện vọng, khát khao... GVCN lớp cần tận dụng những điều kiện đó để thu thập tất cả những thông tin của học sinh để xử lý theo hai phương án:

            - Với những ý kiến không hợp lý của học sinh thì GVCN giải thích, thuyết phục bằng tình cảm, bằng sự đồng cảm của một nhà sư phạm có kinh nghiệm..., các em sẽ dễ dàng được giải tỏa (không ít những học sinh đòi hỏi, thắc mắc, có những vướng mắc  về học tập, công việc với bạn bè, thầy cô, cha mẹ và quan hệ xã hội,... nhiều khi không hợp lý).

            - Nếu những phản ánh, nguyện vọng thấy cần phải đáp ứng thì GVCN bàn với các thầy cô khác, báo cáo Hiệu trưởng tìm biện pháp giải quyết cho có tình có lý tạo cơ hội cho học sinh, tập thể lớp có cơ hội phát triển.

     b. GVCN lớp còn là “cầu nối” giữa nhà trường với gia đình và các tổ chức xã hội, là người tổ chức phối hợp, liên kết các lực lượng trong quá trình thực hiện mục tiêu giáo dục:

            Việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh là trách nhiệm của tất cả mọi người, mọi thế hệ lớn tuổi, không chỉ là của GVCN. Tuy nhiên, đối với môi trường giáo dục học sinh phổ thông, GVCN cần tự xác định phải có trách nhiệm, vì GVCN nắm vững mục tiêu, có năng lực tổ chức phối hợp các lực lượng xã hội và gia đình.

            Việc thực hiện liên kết giáo dục của GVCN có không ít khó khăn vì vậy cần tận dụng, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của Hiệu trưởng vì cương vị của Hiệu trưởng mới đủ tư cách pháp nhân quản lý để liên hệ với các tổ chức xã hội ngoài nhà trường.

   II. Vị trí vai trò của GVCN:

      1. GVCN có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển học sinh của lớp chủ nhiệm:

            - GVCN là thành viên của tập thể sư phạm và hội đồng sư phạm, là người thay mặt hiệu trưởng, hội đồng nhà trường và phụ huynh học sinh (PHHS) quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng toàn diện học sinh lớp mình phụ trách, tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch của nhà trường ở lớp chủ nhiệm.

            - Đối với HS và tập thể lớp, GVCN là nhà giáo dục và là người lãnh đạo gần gũi nhất, người lãnh đạo, tổ chức, điều khiển, kiểm tra toàn diện mọi hoạt động và các mối quan hệ ứng xử thuộc phạm vi lớp mình phụ trách dựa trên đội ngũ tự quản là cán bộ lớp, cán bộ Đội và tính tự giác của mọi HS trong lớp.

            - Trong quan hệ với các lực lượng giáo dục khác trong và ngoài nhà trường, GVCN là nhân vật trung tâm để hình thành, phát triển nhân cách  học sinh và là cầu nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

     2. Công việc của GVCN lớp với GVCN các lớp khác cùng khối:

Trong tổ chức nhân sự của nhà trường, những GVCN thuộc cùng một khối lớp được thiết lập thành một tổ, có tổ trưởng phụ trách và sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng, học kỳ và năm học, là thành viên thuộc tổ, mỗi GVCN cần thực hiện những công việc sau:

            - Bàn bạc, thống nhất với những thành viên thuộc tổ về nội dung, kế hoạch, cách thức, tiến bộ các hoạt động chủ nhiệm tương ứng với những thời điểm cụ thể của kế hoạch năm học, trao đổi kế hoạch phối hợp với các khối chủ nhiệm khác trong trường.

            - Báo cáo hoạt động của lớp chủ nhiệm về các mặt giáo dục, đề xuất thỉnh cầu sự giúp đỡ, phối hợp của các lớp cùng khối đối với một số công việc nhằm tạo phong trào, phát huy sức mạnh của cộng đồng khối lớp.

     3. Công việc của GVCN với các giáo viên bộ môn giảng dạy tại lớp chủ nhiệm:

            - Nắm bắt số lượng cụ thể giáo viên bộ môn dạy lớp chủ nhiệm, lịch trình giảng dạy của mỗi người trong năm học.

            - Có hiểu biết cơ bản về tính cách năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, vai trò và vị thế của mỗi người giáo viên trong trường, hoàn cảnh sống của họ.

            - Liên hệ mật thiết với giáo viên bộ môn để nắm bắt được tình hình học tập của mỗi học sinh đối với bộ môn họ giảng dạy về thái độ, trình độ nhận thức, kết quả học tập. Nhờ những thông tin do giáo viên bộ môn cung cấp, GVCN có thể có được một cá nhìn cụ thể, rõ nét hơn về mỗi học sinh, từ đó có được cách thức tác động, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với đặc điểm phát triển nhân cách của đối tượng giáo dục.

            - Thông báo cho giáo viên bộ môn tình hình phấn đấu rèn luyện, những mặt mạnh và mặt yếu của tập thể lớp, những học sinh có năng lực học tập tốt, những học sinh có năng lực học tập yếu kém, những học sinh có phẩm chất đạo đức cần phải lưu tâm, uốn nắn.

            - Phối hợp với giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động ngoại khoá phục vụ hoạt động dạy học, đồng thời tạo cơ hội để tập thể lớp có được môi trường giao lưu và tăng thêm khả năng nắm bắt tình hình thực tế xã hội cho mỗi học sinh.

            - Tổ chức học sinh trong lớp thăm hỏi, động viên các thầy, cô giáo hoặc các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

     4. Giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh cần phải có mối liên hệ gắn bó, mật thiết:

Để có mối liên hệ gắn bó, mật thiết với phụ huynh học sinh, người giáo viên chủ nhiệm cần phải:

            - Liên lạc với phụ huynh ngay khi năm học bắt đầu, có nghĩa là khi tiếp nhận danh sách HS của lớp là tiếp nhận luôn danh sách cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng HS.

            - Có thể hình thành một bộ phận hồ sơ gửi cho mỗi phụ huynh học sinh để có thông tin như:

   + Tên họ, nghề nghiệp cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng.

   + Địa chỉ gia đình.

   + Số điện thoại để liên lạc khi cần thiết.

   + Những đặc điểm cần chú ý khi giáo dục con em của mình mà gia đình thấy cần thiết đề nghị với GVCN.

            - Lập một danh sách số điện thoại chung của các gia đình HS gửi cho  tất cả  các GV của lớp.

            - Gửi thông báo cho cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng biết về kế hoạch Đại hội Phụ huynh học sinh, kể cả nội dung và ngày giờ cụ thể. Có thể gợi ý những vấn đề cần thảo luận cũng như những mối quan tâm đặc biệt về việc học tập của con em mình.

    5. Xây dựng, bảo quản và sử dụng có hiệu quả hồ sơ giáo dục và giảng dạy:

            - Lập đủ hồ sơ để quản lý quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; bảo quản tốt các bài kiểm tra của học sinh

            - Lưu trữ tốt hồ sơ giảng dạy bao gồm giáo án, các tư liệu, tài liệu tham khảo thiết thực liên quan đến giảng dạy các môn học được phân công dạy

            - Sắp xếp hồ sơ một cách khoa học, đúng thực tế và có giá trị sử dụng cao

            - Lưu trữ tất cả các bài làm của học sinh chậm phát triển và học sinh khuyết tật để báo cáo kết quả giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh

     6. GVCN phải có sự phối hợp với các lực lượng xã hội:

            Tận dụng tiềm năng giáo dục trong trường và ngoài xã hội để đạt tới hiệu quả trong việc thực hiện giáo dục là một nhiệm vụ đặc trưng của người giáo viên chủ nhiệm lớp trong trường phổ thông. Giải quyết tốt nhiệm vụ này cũng chính là thực hiện xã hội hoá giáo dục, một trong những giải pháp trọng yếu thực hiện chiến lược phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Phần 2: Việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được bồi dưỡng vào hoạt động nghề nghiệp thông qua các hoạt động dạy học và giáo dục.

   I. Xây dụng kế hoạch chủ nhiệm lớp

      1. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch chủ nhiệm:

- GVCN là người thay thế Hiệu trưởng quản lý toàn diện tập thể học sinh một lớp học. Muốn làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, GVCN phải xây dựng kế hoạch chủ nhiệm.

- GVCN là người quyết định chất lượng cao các hoạt động giáo dục của lớp khi GVCN có sự định hướng, tư vấn, chia sẻ tâm tư tình cảm… kịp thời trong quá trình tự rèn luyện HS.

Nếu xây dựng được kế hoạch chủ nhiệm tốt:

- GVCN cùng với lớp xác định được rõ ràng định hướng tương lai cần đạt của lớp học.

- Đề ra được các hoạt động ưu tiên và tập trung sức mạnh vào những ưu tiên này. Từ đó xây dựng tổ, nhóm HS cùng tiến, lớp học thân thiện, xây dựng và nâng cao tinh thần hợp tác với các lực lượng giáo dục khác.

      2. Thế nào là kế hoạch công tác chủ nhiệm?

- Kế hoạch chủ nhiệm là chương trình hành động trong tương lai của lớp chủ nhiệm, nhằm xác định một cách chính xác lớp học của chúng ta muốn đi đến đâu và cần phải làm gì, làm như thế nào để đạt được điều đó.

- Lập kế hoạch chủ nhiệm là lựa chọn một trong những phương án hành động cho toàn bộ hoặc từng bộ phận trong bộ máy quản lý để đạt được mục tiêu mong đợi trêm cơ sở khả năng hiện tại.

3. Nội dung và yêu cầu của bản kế hoạch chủ nhiệm.

        3.1. Đặc điểm môi trường lớp học

 +  Đặc điểm chủ quan (khó khăn, thuận lợi)

 +  Đặc điểm khách quan (cơ hội, thách thức) 

Thuận lợi:

 - Lớp của chúng ta có những điểm mạnh nào?

 - Những thành công của lớp trong năm học vừa qua là gì?

 - Chúng ta đã làm những công việc nào có kết quả mỹ mãn nhất ?

 - Cá tính, nhân cách GVCN, cán bộ lớp, học sinh… có gì nổi trội?

Khó khăn

 - Lớp của chúng ta có những điểm yếu nào?

 - Những yếu tố nào dẫn đến thất bại của lớp trong năm học vừa qua?

 - Chúng ta đã làm những công việc nào có kết quả kém nhất ?

 - Những thất bại của lớp, của cá nhân được diễn ra theo con đường, chiều hướng nào? Có thể làm khác không?           

Thời cơ

 - Chủ trương sắp tới của Nhà nước.

 - Chỉ thị năm học của Bộ.

 - Kế hoạch năm học (Sở, Phòng).

 - Sự quan tâm của lãnh đạo địa phương…

 - Phương pháp giảng dạy mới…

 * Những thời cơ nêu trên sẽ đem lại những lợi thế gì cho trường, cho lớp chúng ta? Có giúp gì cho nhà trường hay không?

Thách thức

+ Một số phụ huynh thiếu quan tâm, HS lao động giúp gia đình, ảnh hưởng của thời tiết vùng gò đồi, giao thông chưa đảm bảo… có ảnh hưởng không?

Lưu ý:

- Việc phân chia các yếu tố thành điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức không nhất thiết phải là một sự phân chia cứng nhắc. Điều quan trọng là khi phân tích, cần chỉ ra được nguyên nhân khiến cho lớp học yếu, kém về một số chỉ tiêu cụ thể nào đó, để từ đó đưa ra giải pháp, tập trung ưu tiên giải quyết nhằm đạt được mục đích mong đợi.

- Đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong xây dựng kế hoạch nên vừa sức (nhất là chỉ tiêu về năng lực) để có thể đạt được. Biết rằng chỉ tiêu phải có tính thách thức để cố gắng, nhưng cũng đừng đặt chỉ tiêu cao quá mà không thể đạt nổi.

      3.2. Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu và các danh hiệu phấn đấu

(Nguồn thông tin để xây dựng: Trên cơ sở phân tích đặc điểm môi trường lớp và vận dụng nguyên tắc phân tích mục tiêu, phù hợp với đặc điểm môi trường hoạt động của lớp)

 a) Yêu cầu đạt được về GD đạo đức, văn hoá, lao động hướng nghiệp và các  mặt GD toàn diện khác.

    b) Các chỉ tiêu phấn đấu

    c) Các danh hiệu phấn đấu

      3.3. Các biện pháp chính

      3.4. Những chuyên đề đi sâu để rút kinh nghiệm

      3.5. Điều chỉnh kế hoạch

     3.6. Kế hoạch tháng (tuần) (tháng 8 năm trước đến tháng 5 năm sau)(Dự kiến: Nội dung-Phân công-Thời gian)

    3.7. Kế hoạch Sơ kết học kì (HKI từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau; HK II từ tháng 1 đến tháng 5)(Dự kiến: Nội dung-Phân công-Thời gian)

    3.8. Kế hoạch Tổng kết năm học (Dự kiến: Nội dung- Phân công- Thời gian)

    3.9. Kế hoạch hoạt động hè (Dự kiến: Nội dung- Phân công- Thời gian)

 

Số lượt xem : 23921

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác